Viettel khai trương hệ thống thu phí tự động không dừng ePass

Ngày 29/12, Bộ Giao thông Vận tải đã khai trương và đưa vào vận hành hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO). Hệ thống do Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ.

Đầu tư cho phát triển hạ tầng chính là ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng và phát triển các đô thị thông minh. Theo đó Việt Nam đã có Lộ trình ứng dụng giao thông thông minh (ITS), do Bộ GTVT ban hành với mục tiêu: Tiêu chuẩn hoá ITS toàn quốc; Quy hoạch và xây dựng các trung tâm điều hành và kiểm soát giao thông tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam; và xây dựng hoàn thiện các ứng dụng, các hệ thống con ITS.

Đến nay, một số dự án về ITS đã và đang được triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, ứng dụng ITS trên hệ thống đường cao tốc, quốc lộ, cụ thể là áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng cũng đang được khẩn trương thực hiện.

Như vậy, có thể thấy việc ứng dụng ITS tại Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi liên quan đến hệ thống cơ sở hạ tầng, các chính sách, chiến lược và sự ưu tiên đầu tư phát triển. Tuy nhiên, quá trình này cũng còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực và tăng cường hợp tác, trao đổi với các nước trên thế giới, tận dụng các nguồn lực công nghệ của các Tập đoàn trong và ngoài nước để hoàn thiện và đẩy nhanh tiến trình ứng dụng ITS.

Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Viettel cho biết: “Là một Tập đoàn công nghiệp, công nghệ lớn nhất Việt Nam, Viettel có một khát vọng xây dựng hệ thống giao thông thông minh ở Việt Nam. Viettel xác định đây là bổn phận của mình với đất nước, với người dân Việt Nam. Và khi được chính thức giao nhiệm vụ, Viettel đã huy động toàn bộ hệ sinh thái của mình vào cuộc”.

Theo ông Bùi Trình, TGĐ Công ty CP Giao thông số Việt Nam, tất cả trạm thu phí do Viettel lắp đặt đều sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng, sẽ tạo thuận tiện và tiết kiệm thời gian tối đa cho các lái xe qua trạm.

“Tài khoản giao thông ePass hợp lệ có thể đi qua tất cả các trạm thu phí tự động trên toàn quốc. Đối với các trạm thu phí do VDTC triển khai, khách hàng có thể đi qua tất cả các làn. Chúng tôi sẽ duy trì một số làn hỗn hợp nhất định trong thời gian đầu để xe chưa dán thẻ vẫn đi qua được làn này. Một khác biệt nữa của dịch vụ thu phí không dưng ePass là khách hàng có thể kết nối với tất cả 40 ví điện tử thẻ ngân hàng, thẻ Visa, Momo và ViettelPay để nạp tiền và thanh toán. Đặc biệt, chủ tài khoản ViettelPay có thể sử dụng dịch vụ mà không cần nạp tiền vào tài khoản giao thông. Phí đường bộ sẽ trừ trực tiếp từ tài khoản ViettelPay của chủ phương tiện.” – ông Trình cho biết.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng, sự phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, các địa phương có liên quan, đặc biệt là sự ủng hộ của các nhà đầu tư BOT trong quá trình thực hiện, đến thời điểm khai trương, tất cả các trạm thu phí đủ điều kiện triển khai thu phí điện tử không dừng thuộc giai đoạn 2 đã được Viettel triển khai lắp đặt hoàn thành, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, cho biết: “Tới nay, BOO1 và BOO2 đã liên thông với nhau. Các tỉnh cũng đang hòa với hệ thống. Chúng tôi đang rà soát để đẩy mạnh tuyên truyền dán thẻ, để thấy được thuận tiện, văn minh trong thu phí tự động. Trường hợp vi phạm, chúng tôi sẽ phối hợp xử lý phạt nguội, theo quy định của Nghị định của 00/NĐ-CP. Tiếp theo sẽ phối hợp tuyên truyền để người dân thấy được tiện ích, văn minh vừa tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng”.

Như vậy, với công nghệ thu phí tự động không dừng ePass, Viettel sẽ cùng Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy thực hiện Chỉ thị 39/CT-TTg đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Đây là nhiệm vụ bắt buộc nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội.

Theo ước tính, sử dụng hệ thống thu phí không dừng ePass, người tham gia giao thông giảm thời gian đi qua trạm thu phí khoảng 60 lần so với thu phí bằng cách soát vé thủ công. Riêng về tính năng, ePass mang đến lợi ích không chỉ cho khách hàng mà còn góp phần trong việc tăng cường khả năng quản lý, tránh thất thoát, lãng phí của nhà đầu tư BOT, nhà đầu tư dịch vụ công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan. Đặc biệt, tiết kiệm thời gian chi phí, góp phần giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm môi trường, mang lại hoạt động giao thông thông minh và tiện ích.

Tại Đài Loan (Trung Quốc) để triển khai thành công hệ thống cần mất khoảng 8 năm, đối với dự án giai đoạn 1 để triển khai các công việc từ khâu thiết kế, xây dựng hạ tầng, mua sắm thiết bị, tổ chức lắp đặt, vận hành chạy thử đến vận hành chính thức, dự án giai đoạn 1 phải mất khoảng 2 năm, trong khi Viettel chỉ mất thời gian khoảng 6 tháng, cho thấy tiến độ triển khai rất nhanh của dự án giai đoạn 2.

Trong giai đoạn tiếp theo, song hành cùng việc đẩy mạnh đầu tư công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, Viettel sẵn sàng cùng Bộ GTVT xây dựng và phát triển dữ liệu của ngành; Phát triển các nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; Nền tảng quản lý thu phí, thanh toán điện tử trong giao thông; Nền tảng nhận diện, kiểm soát phương tiện tự động, Nền tảng số quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện. Viettel tự tin sẽ cùng ngành giao thông bắt kịp xu hướng chuyển dịch về công nghệ giao thông thông minh trên thế giới và khu vực, sớm đưa Việt Nam đứng trong top những quốc gia phát triển về giao thông thông minh.

Viettel cam kết, tiếp tục đầu tư nguồn lực tốt nhất, ứng dụng các thành tựu tiên tiến nhất về khoa học công nghệ cho quản lý và điều hành giao thông, đóng góp cho giao thông vận tải là ngành tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện./.

nguồn VOV.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *