Ai cũng biết, việc triển khai hệ thống thu phí tự động (ETC) không dừng với mục đích khắc phục, hạn chế bất cập của hình thức thu phí một dừng (như tăng cường tốc độ lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân), hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí.
Việc xin lùi thời hạn này liệu có cố tình trì hoãn để thu phí thủ công nhằm tránh sự kiểm soát của Nhà nước? Và, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có biện pháp mạnh tay gì để nhà đầu tư BOT phải ráo riết lắp đặt?
Không để cho các doanh nghiệp BOT “múa gậy trong bị”, thậm chí còn tìm cách để “câu giờ”, không thực hiện thu phí tự động không dừng, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho phép Viettel được góp vốn thành lập doanh nghiệp để triển khai dự án này với tỷ lệ Viettel nắm giữ 86%, các nhà đầu tư còn lại nắm giữ 14% để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng giai đoạn II.
Viện nhiều lý do, than khó đủ đường
Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn I có tổng mức đầu tư 2.036 tỷ đồng bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11/2014 dự kiến cung cấp dịch vụ cho 44 trạm BOT. Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã tiến hành đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng BOT với 35/39 trạm, 4 trạm đang tiếp tục đàm phán (trong 44 trạm có 5 trạm do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam-VEC quản lý không phải ký phụ lục hợp đồng). Các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã cơ bản lắp đặt và vận hành hệ thống ETC
Theo Bộ GTVT, hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chính là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm; việc đàm phán tỷ lệ trích doanh thu giữa nhà đầu tư BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (hợp đồng dịch vụ) hay số lượng phương tiện dán thẻ (E-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng chưa cao cũng làm tiến độ thu phí ETC vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Chính những vướng mắc và khó khăn trên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn VETC – nhà đầu tư dự án thu phí ETC giai đoạn I đã có các văn bản đề xuất dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục thực hiện.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tỷ lê ăn chia chưa rõ ràng dẫn đến chậm.
“Phần lớn các trạm BOT hiện nay là sở hữu của Nhà nước khoảng trên 20% và trên 20% vốn của chủ đầu tư, còn lại là vốn vay ngân hàng. Do đó, nhà đầu tư phải được ngân hàng chấp thuận nên buộc phải đầu tư phải thương thảo với ngân hàng và phụ lục hợp đồng cũng phải được ngân hàng gật đầu, trong khi đó nếu phải trích (5- 7%) cho nhà cung cấp ETC thì vô lý,” ông Chủng thông tin.
Bật đèn xanh cho Viettel “giải cứu” thu phí không dừng
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng giai đoạn II, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương cho phép Viettel được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để sớm thực hiện dự án thu phí không dừng.
Do dự án thu phí không dừng là một dự án cấp bách, cần triển khai thực hiện, sau nhiều thời gian chậm tiến độ, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng đã đôn đốc các cơ quan đơn vị, các nhà đầu tư tiến hành đàm phán thống nhất tỷ lệ góp vốn để đảm bảo cơ sở thành lập doanh nghiệp dự án.
Đến ngày 13/3/2020, liên doanh nhà đầu tư đã có biên bản thống nhất tỷ lệ Viettel nắm giữ 86%, các nhà đầu tư còn lại nắm giữ 14%. Đến nay, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT cũng đã nhiều lần có văn bản, báo cáo đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép Viettel được góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án.
Đến ngày 17/3/2020 tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương cho phép Viettel được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án để tạo cơ sở pháp lý vững chắc để sớm thực hiện dự án.
Thủ tướng yêu cầu dự án thu phí không dừng phải hoàn thành trong năm 2020.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (PPP-Bộ GTVT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Viettel và các Nhà đầu tư khác của Dự án đã tích cực đàm phán để Viettel nắm giữ tỷ lệ chi phối nhằm có cơ sở thành lập doanh nghiệp thực hiện.
“Trên cơ sở thống nhất của các nhà đầu tư, đến nay Viettel đã thống nhất nắm giữ tỷ lệ 86% trong dự án. Ngày 16/3/2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các nhà đầu tư đã đạt được sự thống nhất và đã đồng ý chủ trương Viettel được tham gia dự án sau khi Viettel nắm giữ tỷ lệ chi phối.
Việc Viettel là một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại nước ta nên việc hoàn thành dự án thu phí không dừng trong năm 2020 là hoàn toàn có cơ sở, đáp ứng nhu cầu của xã hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Quốc hội”, ông Huy kỳ vọng./.